Thiếu máy sấy, “mất” lúa

Khi gặp thời tiết bất thường, mưa dầm kéo dài thì việc phơi phóng của nhà nông không chỉ nhọc nhằn mà chất lượng hạt lúa cũng không bảo đảm. Nếu không phơi sấy kịp thời, lúa bị lên mộng, chất lượng gạo giảm 50% và làm giảm tỷ lệ thu hồi gạo.

Tuy nhiên, các tỉnh ĐBSCL đang buộc phải đối mặt với tình trạng thiếu máy sấy lúa, thiếu sân phơi. Những bức xúc về lò sấy lúa được nói nhiều, bàn nhiều, song đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục đạt hiệu quả cao.

“Mất” lúa vì thiếu máy sấy

Sau 36 năm (từ ngày giải phóng đến nay), sản lượng lúa của ĐBSCL liên tục tăng từ 4,2 triệu tấn vào năm 1975 lên đến hơn 17,4 triệu tấn vào năm 2000 và 21 triệu tấn năm 2010. Vựa lúa này đã tăng sản lượng đến 5 lần (so với mới giải phóng). Tuy nhiên, theo thống kê ở ĐBSCL, vụ lúa Hè Thu năm 2011 đã gieo sạ 1,6 triệu hecta lúa, đến nay đã thu hoạch hơn 210.000ha, năng suất thu hoạch bình quân đạt 5 tấn/ha, số lượng lúa gạo hao hụt sau thu hoạch bình quân 13,7%, cá biệt có nơi lên đến 20% do mưa dầm. Đến thời điểm hiện nay, toàn vùng ĐBSCL đã trang bị được hơn 6.435 máy sấy các loại, tương đương hơn 9.220 lò quy chuẩn loại SH4 4 tấn/mẻ đang sử dụng, chỉ sấy được khoảng 31% sản lượng lúa Hè Thu; trong đó, Kiên Giang có hơn 1.700 lò; An Giang hơn 1.464 lò; Cần Thơ hơn 1.200 lò; Hậu Giang, Sóc Trăng mỗi tỉnh có trên 800 lò, Cà Mau, Bến Tre mỗi tỉnh hơn 40 lò… Cứ mỗi vụ Hè Thu, ĐBSCL lại hao hụt 13,7% của 8 triệu tấn lúa, thì có gần 110.000 tấn lúa bị thất thoát, tương đương 660 tỷ đồng, do phơi sấy không kịp. Mưa nhiều ở vụ Hè Thu dẫn đến chuyện hao hụt, chất lượng gạo xấu. Hiện tượng lúa mọc mộng gần 3- 4cm, ẩm vàng trên khắp các sân phơi trong những năm 1997, 1998, 1999 ở các huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), Thốt Nốt, Ô Môn (Cần Thơ), Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú (An Giang), Trà Ôn (Vĩnh Long),… là một quá khứ đau buồn làm nông dân không thể nào quên. Nếu lúa phơi không được thì giá sẽ giảm từ 6.000- 6.500 đ/kg xuống còn 4.000- 4.200 đ/kg.

Vấn đề bức xúc này đã được đặt ra hơn 20 năm nay. Những lợi ích của việc đưa máy sấy vào phục vụ sau thu hoạch ai cũng đã thấy rõ. Nhưng đa phần các nông hộ ở ĐBSCL vẫn chưa mặn mà với các phương tiện phơi sấy lúa do đầu tư vốn chậm thu hồi, giá lúa bán ra chưa tạo động lực khuyến khích, giá cả các máy sấy chuyên làm dịch vụ phải hợp lý, chi phí sấy lúa của nhiều loại máy trên thị trường còn khá cao…

Với giá lúa hiện tại bà con chấp nhận giá thuê sấy trong khoảng 1.000- 1.200 đ/kg lúa, trong khi đó các loại nhà máy sấy, hiện đại trị giá vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng có chi phí sấy từ 2.000- 2.500 đ/kg. Vì vậy, đến nay nhiều xã vẫn chưa có máy sấy.

ĐBSCL là vùng sản xuất lúa gạo với khối lượng lớn nhất nước. Để giải quyết nhu cầu sấy lúa Hè Thu, cần hơn 23.520 lò sấy quy chuẩn. Thời gian qua, trong toàn vùng ĐBSCL đã sử dụng hơn 2.000 máy sấy tĩnh vỉ ngang, loại 4 tấn và 8 tấn/mẻ (chỉ đạt hơn 21%) do Trường Đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh thiết kế lại từ mẫu máy ban đầu của Philippines năm 1982. Loại máy này hiện có nhiều biến thể khác nhau như “kiểu Đại học Cần Thơ”, “kiểu Phú Tâm” (Sóc Trăng)… Máy sấy loại này hạ độ ẩm thấp từ 24- 27% xuống 15% trong 7 giờ. Song, theo bà con nếu gặp máy sấy xấu, 100kg lúa chỉ xay ra được 35kg gạo, ít hơn 10kg so với máy tốt. Nông dân hiện đã mua hàng trăm máy sấy tĩnh vỉ ngang, công suất 4 tấn/mẻ, hơn 1.000 máy sấy tĩnh vỉ ngang, công suất 8 tấn/mẻ và máy sấy nhỏ SRR, công suất 1 tấn/mẻ sấy liên tục 3 ngày (loại máy sấy nhỏ này chỉ thích hợp với các hộ ở vùng có điện và có dưới 0,5ha) lúa… Bình quân mỗi xã có chưa đến 8 máy thì giải quyết được bao nhiêu tấn lúa trong ngày, trong khi nhu cầu sấy lúa của nông dân rất lớn?

Vì sao nông dân không “mặn mà”?

Tại An Giang, mỗi năm có trên 200.000ha lúa Hè Thu phải thu hoạch trong mùa mưa lũ, song toàn tỉnh chỉ có hơn 1.464 lò, công suất từ 4- 8 tấn/mẻ, đủ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Sợ thua lỗ là lý do chính để nông dân từ chối đầu tư vốn xây dựng lò sấy, dù ngay từ năm 2001, UBND tỉnh An Giang đã có chủ trương cho nông dân, hợp tác xã nông nghiệp mượn vốn không lãi suất trong vòng 3 năm để phát triển hệ thống lò sấy lúa. Nếu thu hoạch lúa rơi vào mùa mưa bão thì số lượng lò sấy không đáp ứng đủ nhu cầu, còn thu hoạch vào thời điểm thời tiết tốt thì máy sấy cũng… “trùm mền”.

Một thực tế hiện nay là nông dân có tâm lý muốn bán lúa tươi ngay tại ruộng. Đa phần nông dân ĐBSCL thường tận dụng ánh nắng mặt trời phơi lúa. Phơi lúa bằng nắng có nhiều cái tiện như ít chi phí và tận dụng được mọi mặt bằng như: sân nhà, bờ đi, bờ ruộng,… Thậm chí lúa trên ruộng suốt đến đâu phơi đến đấy, vừa ráo hột lúa là bán tại chỗ cho thương lái, đỡ tốn phí vận chuyển.

Về các địa phương có diện tích trồng lúa lớn ở ĐBSCL vào mùa mưa bão, thấy cảnh nông dân xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt sấy lúa mới thấy được giá trị của lò sấy. Anh Nguyễn Văn Sơn (ấp Tân Long, xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) than rằng: “Lúa chín rục đỏ đồng, đang cắt lúa gặp áp thấp nhiệt đới, mưa dầm hơn 3 ngày. Lúa vô bao vác lên bờ, đi tới đâu nước tuôn ra đến đó. Phải mang đến lò sấy thôi nhưng chờ hơn 2 ngày mới tới lượt sấy. Mở bao ra, lúa đã lên mộng trắng…”

Để giảm tổn thất sau thu hoạch lúa, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: “… Nhất thiết phải đầu tư cơ giới hóa từ lúc gieo trồng đến tận khi thu hoạch và ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Đầu tư công nghệ sau thu hoạch, trực tiếp là đầu tư lò sấy lúa, không chỉ đơn thuần vấn đề vốn, mà cần có cơ chế đồng bộ cho người sản xuất, sử dụng nhằm góp phần tăng chất lượng lúa, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân”.

Vừa qua, Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh nông sản, đảm bảo khả năng dự trữ phục vụ xuất khẩu”, với tổng mức đầu tư được dự toán hơn 7.000 tỷ đồng. Một trong những nội dung của đề án là từ nay đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL phát triển công nghệ sấy, mỗi năm làm khô được 7- 8 triệu tấn lúa Hè Thu… Tuy nhiên, để các dự án máy sấy có hiệu quả, theo chúng tôi, cần làm thí điểm cụm máy sấy lớn và để hoạt động hết công suất thì vùng nguyên liệu xung quanh phải lớn, lúa được chở về nhanh để giảm hao hụt do vận chuyển. Tuy nhiên, đường sá ở ĐBSCL lại trắc trở và máy lớn thường đặt ở khu trung tâm, xa đồng ruộng nên cần được quan tâm hơn.

Tiến sĩ Phạm Văn Tấn- Phó Giám đốc Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, tổn thất sau thu hoạch lúa tại ĐBSCL lên đến 635 triệu USD/năm. Tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch lúa hiện nay còn khá cao, trong đó cao nhất là khâu phơi sấy mất 4,2%; thu hoạch 3%; xay xát 3%; bảo quản 2,6%; vận chuyển 0,9%. Nếu như tất cả các khâu thu hoạch đều có khiếm khuyết thì tổn thất có thể lên đến 20,6%. Ngoài ra, tổn thất các phụ phẩm khác của lúa gạo cũng lên đến 50%. Những thiệt hại về chất cũng rất lớn, chưa được xem xét hết. Cụ thể như chất lượng, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam thuộc cấp thấp chiếm đa số, giá bán thường thấp hơn gạo của Thái Lan và Mỹ từ 80- 100 USD/tấn.

 

Bạn thấy bài viết này hay chứ?

Hãy để lại đánh giá 5 sao để kích lệ chúng tôi

Average rating 0 / 5. Vote count: 0

No votes so far! Be the first to rate this post.

Cảm ơn bạn đã đánh giá bài viết

Theo dõi Techmart Việt Nam trên các mạng xã hội khác